Tình trạng dịch bệnh kéo dài, bạn bắt buộc phải để “xế yêu” của mình “yên vị” một thời gian không sử dụng. Dù để trong bãi xe hay ngoài trời, “xế yêu” vẫn có thể gặp phải những hư hỏng không mong muốn.
Bên cạnh đó, không phải ai cũng biết bảo quản xe của mình một cách đúng đắn và hợp lý để giảm thiểu những rủi ro không đáng có.
Hãy cùng Toyota Gia Lai lưu lại những “mẹo nhỏ” giúp bạn yên tâm bảo quản xe dù lâu ngày không sử dụng nhé!
————————————
1. Chăm sóc sơn vỏ xe
Nếu đỗ xe ngoài trời, người dùng nên hạn chế đỗ xe dưới bóng cây, và dùng tấm che/bạt phủ để bảo vệ bề mặt sơn. Phân chim, côn trùng, bụi phấn hoa, nước mưa đều có thể gây ố sơn.
Hãy kiểm tra xe hằng ngày và loại bỏ vết bám bằng nước sạch hoặc các hóa chất chăm sóc chuyên dụng.
2. Chăm sóc lốp
Xe đỗ tại chỗ quá lâu có thể dẫn tới hiện tượng lốp bị hết hơi, bẹp một góc gây rung ồn trong quá trình vận hành về sau này. Để tránh hiện tượng như vậy, người dùng nên bơm căng lốp (3,0 bar/300 kpa) và chỉ hạ xuống khi bắt đầu sử dụng xe trở lại. Vì vậy, bạn nên tiến hoặc lùi xe vài chục mét để tránh một điểm duy nhất của lốp chịu áp lực trong một thời gian dài dẫn tới biến dạng.
3. Tránh rỉ sét
Giai đoạn hiện tại vẫn chứng kiến thời tiết mưa ẩm, khiến những xe ít di chuyển có thể bị han rỉ, đặc biệt nếu đỗ ngoài trời liên tục. Người dùng cần lưu ý thường xuyên kiểm tra các chi tiết gầm xe và vệ sinh các phần bị han rỉ. Có thể sử dụng bình xịt chống rỉ để bảo vệ các chi tiết dưới gầm.
4. Đảm bảo phanh luôn ở tình trạng tốt
Khi đỗ xe tại chỗ, bề mặt đĩa phanh có thể nhanh chóng xuất hiện một lớp han rỉ màu vàng rất đặc trưng. Để làm sạch lớp này và tránh các chi tiết cơ khí của phanh bị mắc kẹt do ít hoạt động, người dùng hãy chạy xe và rà nhẹ phanh nhiều lần (tốt nhất nên thực hiện ở trong các khu vực kín không có người). Với xe có hệ truyền động hybrid, hãy về số N khi rà phanh.
5. Đảm bảo cần gạt mưa không bị chai cứng
Nếu xe để đỗ ngoài trời lâu ngày, hãy dựng cần gạt nước lên để tránh hư hỏng cao su. Do nhiệt độ, hoá chất bên ngoài sẽ làm ảnh hưởng khiến cần gạt bị chai cứng hay rạn nứt.
6. Chăm sóc ắc quy
Ắc quy trên xe để lâu ngày sẽ hao theo thời gian do các thiết bị điện vẫn vận hành ở chế độ chờ. Do đó, để đảm bảo sau vài tuần ở nhà, “xế cưng” vẫn có thể nổ máy bình thường, người dùng nên ngắt hết các thiết bị điện không cần thiết trên xe, thậm chí tháo cọc âm ắc quy nếu chắc chắn mình không đi đâu. Ngoài ra, mỗi tuần, người dùng nên nổ máy xe khoảng 15 phút liên tục để ắc quy không bị kiệt hẳn.
7. Chăm sóc máy nén (lốc) điều hòa
Máy nén để lâu có thể bị hỏng do thiếu bôi trơn. Để tránh điều này, có thể kết hợp khi nổ máy xe theo định kỳ trong các thủ thuật nêu trên. Cụ thể, khi đề nổ, người dùng hãy tắt điều hòa và quạt gió, và chỉ bật lại sau khi vòng tua động cơ trung bình tụt xuống mức ổn định (thường dưới 1.000 vòng/phút). Cần đảm bảo thời gian bật kéo dài ít nhất là 2 phút.
8. Chăm sóc động cơ, hộp số, vi sai
Nếu không nổ máy trong một thời gian dài, các loại dầu bôi trơn sẽ “tuột” xuống khiến các chi tiết máy không còn được bôi trơn đầy đủ. Do đó, trong quá trình nghỉ, thỉnh thoảng người dùng nên lái xe tiến hoặc lùi vài chục mét để bôi trơn các thành phần này. Ngoài ra, nên nổ máy tại chỗ với vòng tua dưới 1.500 vòng/phút trong ít nhất 15 phút để dầu và các dung dịch trong xe lưu thông trở lại. Trước khi tắt máy, người dùng có thể đạp mạnh ga tối thiểu 10 lần để loại bỏ hơi ẩm đọng trong hệ thống xả.
9. Chống chuột phá hoại
Một trong những “thiên địch” của ô tô chính là chuột. Khi xe đỗ tại chỗ quá lâu, nhất là trong các bãi xe ngoài trời, chuột có thể chui vào làm ổ trong các khoang trống trên xe, gây mùi hôi hoặc thậm chí cắn đứt dây điện, khoét thủng các lớp bảo vệ… Do đó, việc vệ sinh, kiểm tra (đặc biệt là khoang máy và cốp sau) để loại bỏ rác do chuột để lại, thậm chí sử dụng hóa chất tẩy mùi để xua đuổi chuột là điều hết sức cần thiết. Trong trường hợp phát hiện có chi tiết quan trọng (dây điện, dây cu roa, các loại phớt ngăn cách…) bị chuột cắn, hãy liên hệ đại lý ô tô gần nhất để được hỗ trợ.
10. Tránh bị “dính” phanh tay
Nếu đỗ một chỗ quá lâu, người dùng nên xem xét chèn bánh thay vì kéo phanh tay để tránh bộ phận này bị dính két (rất dễ xảy ra trong thời tiết mưa ẩm). Với xe số tự động, việc về P có thể thay thế phanh tay trong các trường hợp này.
11. Tránh nguy cơ cháy nổ
Nhiều xe có thể không ngắt các cổng sạc ngay cả khi đã tắt máy. Do đó, việc lấy toàn bộ điện thoại hay các thiết bị sử dụng điện (máy quay hành trình, bộ lọc không khí…) ra khỏi xe trước khi “cất kĩ” phương tiện chờ ngày hết giãn cách xã hội là điều rất quan trọng. Người dùng cũng không nên để bật lửa, chai nước trong xe để tránh rủi ro ngoài ý muốn.
Ngoài 10 thủ thuật nói trên, người dùng cũng nên xem xét mang xe bảo dưỡng tại các đại lý gần nhất sau khi thời gian cách ly xã hội chấm dứt.
12. Ngăn ngừa thùng nhiên liệu, bơm xăng han rỉ
Khi xe để ngoài trời lâu ngày, thùng chứa nhiên liệu, bình xăng sẽ bị rỉ sét. Bạn phải chú ý bổ sung đầy nhiên liệu và kiểm tra, đồng thời chú ý đến những phần gắn liền với bình xăng cũng như sự ăn mòn, hoan rỉ.
———————————
TOYOTA GIA LAI Kính chúc Quý Khách Hàng luôn lạc quan và nhiều sức khỏe, Đồng thời, đừng quên tuân thủ và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch an toàn tại nhà, đảm bảo an toàn cho chính bạn và mọi người xung quanh nhé!