Câu Chuyện Thương Hiệu Của Toyota

Cau Chuyen Thuong Hieu Cua Toyota

Toyota nằm ở vùng Mikawa thuộc tỉnh Aichi (đây cũng là vùng đất sản sinh ra dòng họ Tokugawa – những người đã lập nên Mạc phủ Tokugawa) và từ đó chế ngự cả thế giới. “Tập quán tư duy” của Toyota thừa hưởng “những tư tưởng có tính di truyền” của vùng Mikawa. Rất nhiều công ty như Honda, Suzuki, Yamaha, Kawaii đã cất bước từ vùng đất Mikawa và vùng đất lân cận Totomi tiến lên chinh phục thế giới.

Tập quán tư duy” tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển của Toyota ngày hôm nay. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những nét đặc trưng của “tập quán tư duy” và thành công của Toyota.

Tinh thần “vững chãi kiên cường

Cũng giống như các võ sĩ phong trần vùng Mikawa, cho dù là trong nhà máy của Toyota hay tại nhà máy sản xuất hàng kỹ thuật cao hay văn phòng cung cấp phụ tùng đâu đâu cũng là quang cảnh nhân viên làm việc cần mẫn.

Hình ảnh những công nhân lặng lẽ làm việc trong nhà máy giống y như các “samurai” ngày xưa. Những người thuộc tập đoàn Toyota thường là những người không chú trọng đến vẻ hào nhoáng bề ngoài; ấn tượng của họ là nét thật thà chất phác nhưng làm việc hết sức chăm chỉ.

Phẩm chất “Cần mẫn nỗ lực”

Điều thường được nhắc đến bên cạnh chữ “vững chãi kiên cường” là “cần mẫn nỗ lực”.

Tư tưởng này cho rằng nếu làm việc chăm chỉ với toàn tâm toàn ý, sống phù hợp với mức thu nhập của mình, nỗ lực miệt mài từng chút một, tiết kiệm để tích lũy của cải, tránh các tranh chấp, một lòng hợp tác làm việc thì sẽ cống hiến được nhiều cho quốc gia, cho xã hội. Tất cả những điều này đã có một ảnh hưởng rất lớn đến “tập quán tư duy” của Toyota.

Cách sống “thanh bần tích sản”.

Từ ngày xưa người ta vẫn thường gọi là ngân hàng Toyota, bởi truyền thống “kinh doanh không vay nợ” của Toyota và cho đến tận ngày nay truyền thống “thanh bần tích sản” ấy vẫn tiếp tục được duy trì. Chúng ta cũng phải thấy hết sức khâm phục bởi “tập quán tư duy” tích lũy tài sản của Toyota khác hẳn với hầu hết các công ty khác của Nhật Bản vốn đều bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế bong bóng. Đối với Toyota rất khó mở miệng hầu bao của họ để lấy tiền và họ chỉ chi tiền cho những việc xứng đáng.

Tư duy “giản dị tiết kiệm”.

Tập quán tư duy “vắt giẻ đã khô” nhằm cắt giảm chi phí đến mức thấp nhất vốn được xem là những yếu tố di truyền được thừa hưởng từ tập quán tư duy của người xưa, chính vì vậy Toyota đã đề ra phương châm hành động “3 MU – muda, muri, mura” (không nhất quán, lãng phí, quá sức).

Tư duy này còn được áp dụng đặc biệt trong việc kí kết các hợp đồng giao dịch. Do ý thức phải giảm chi phí đến mức thấp nhất mà đôi khi việc “cắt giảm ba lần” được áp dụng trong việc quyết định điều kiện hợp đồng.

“Cắt giảm ba lần” có nghĩa là khi trả giá sẽ có đề nghị giảm giá lần thứ I, khi ký hợp đồng sẽ có đề nghị giảm giá lần II, và khi trả tiền sẽ có 10% giá trị hợp đồng bị giữ lại trong tài khoản với lý do đảm bảo cho những lần giao dịch về sau.

Bởi ảnh hưởng tư duy này, nên việc kí kết hợp đồng với Toyota trở nên khá khó khăn. Nếu không quen với cách “cắt giảm ba lần” này chúng ta sẽ bị lỗ nặng.

Đôi mắt “nhìn xa trông rộng”.

Toyota thừa hưởng yếu tố di truyền của kiểu tư duy “nhìn xa trông rộng”. Ngay trong thời điểm mà ngành công nghiệp chế tạo xe hơi của Mỹ đang phải đau đầu vì suy thoái thì Toyota giương cao khẩu hiệu “cạnh tranh và hợp tác”, áp dụng chiến lược “chia lửa cho đối phương”, hợp tác với GM, trao đổi kinh nghiệm về phương thức sản xuất Toyota.

Ngày nay, Toyota vẫn đang tiếp tục phát triển thị phần của mình trong nền kinh tế Mỹ. Có thể mọi người cho rằng Toyota tiến chậm ở thị trường Trung Quốc nhưng điều này là một phần của nghệ thuật kinh doanh xuất phát từ tư tưởng “nhìn xa trông rộng” của Toyota.

Tư tưởng “gia đạo an bình”.

Toyota luôn luôn cầu mong sự yên ổn cho tất cả các thành viên trong đại gia đình Toyota. Phương châm của công ty là bảo đảm cơ hội việc làm và coi trọng nhân viên.

Trong cương lĩnh Toyota – chỗ dựa tinh thần của Toyota – có một điều khoản là “phát huy tình bạn thân ái, giữ gìn truyền thống tốt của gia đình”. “Tập quán tư duy” này đã kết tinh thành những con người Toyota, và điều làm cho Toyota mạnh hơn chính là ở chỗ hàng chục ngàn con người cùng đồng lòng nhất trí. Xung quanh thành phố Toyoda có rất nhiều những điểm vui chơi, nghỉ ngơi dành cho nhân viên của họ, và chính từ những nơi này đã làm thăng hoa những truyền thống đẹp của gia đình.

Toyota luôn đề cao giá trị con người và cho rằng lực lượng lao động không phải là chi phí mà chính là tài nguyên quý giá. Toyota phản đối kịch liệt việc Moody’s đánh giá thấp và cho rằng việc duy trì chế độ tuyển dụng suốt đời không tốt. Tư tưởng trung thành với chủ nhân của các võ sĩ thời xưa luôn được chảy trong huyết mạch của người dân Toyoda cho đến ngày hôm nay.

“Toyota được ví như như viên kẹo Kintaro, cắt ở đâu cũng thấy giống nhau”. Điều này có nghĩa là, trong tất cả các xí nghiệp của Toyota, ở đâu cũng duy trì chung một “Tập quán tư duy” thống nhất.

(Thái Anh – Abviet theo saga trích “Tư duy đột phá” của Giáo sư Hibino Shozo/ Đại học Chukyo)

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *